Tin tức
Tin tức
Vốn hóa thị trường của FLC khoảng 2.000 tỷ. Vốn chủ sở hữu hơn 9.000 tỷ thì giá trị thị trường FLC chỉ bằng khoảng 22% giá trị sổ sách. Với nhiều nhà đầu tư thì tỷ lệ P/B xấp xỉ 22% có thể đáng để xem thêm nhưng với cổ phiếu bất động sản thì không bởi những lý do dưới đây.
Đạo đức ban lãnh đạo là vấn đề nổi cộm đối với cổ phiếu FLC và các cổ phiếu thuộc họ FLC như AMD, ROS, ART, HAI, GAB và sắp tới là FHM (FLC Homes), BBA (Bamboo Airways). Lời hứa của chủ tịch Hội đồng quản trị và hành động bán chui cổ phiếu, rồi tới các phát ngôn về giá của cổ phiếu… và cả nhiều phát ngôn trước phương tiện truyền thông, chúng tôi cảm thấy đầy lo lắng cho các cổ đông vẫn còn đang sở hữu cổ phiếu họ FLC.
Việc ban lãnh đạo không cho cổ đông một chút niềm tin nào khiến việc sở hữu cổ phiếu FLC sẽ là một lựa chọn để bạn “ngủ không ngon mỗi đêm”. Là một nhà đầu tư thận trọng, chúng tôi chưa từng có ý định mua cổ phiếu họ FLC dù với giá nào.
Hoạt động kinh chính của FLC bao gồm các hoạt động kinh doanh BĐS và hoạt đồng đầu tư vào tài chính của các công ty con, công ty liên kết. Với tổng số nợ phải trả gấp hơn 2 lần số vốn chủ sở hữu, trong đó khoản vay ngân hàng có giá trị rất lớn, chi phí tài chính lên tới 500 tỷ mỗi năm cho một doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 9.000 tỷ thì rất lo lắng. Những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu FLC dù với mức định giá 2.000 tỷ thì cũng khó mà cảm thấy có biên an toàn.
Trong cấu trúc tài sản Tập đoàn FLC, các khoản phải thu có tới hơn 1/3 tổng giá trị tài sản. Tất cả các khoản phải thu khách hàng, phải thu ngắn hạn khác hay phải thu cho vay ngắn hạn đều là vô cùng lớn và chiếm hơn 30% tổng tài sản của doanh nghiệp. Được xếp vào danh mục khoản phải thu ngắn hạn nhưng số dư các khoản này không hề giảm mà còn có xu hướng lớn dần và phức tạp dần qua các năm. Khả năng thu hồi các khoản phải thu này thực sự đáng nghi ngờ và không dễ định giá.
Các giao dịch nội bộ giữa các công ty trong tập đoàn FLC và các công ty liên quan vô cùng phức tạp. Các khoản phải thu, phải trả giữa các công ty trong nội bộ và các công ty liên quan cũng sẽ phải khiến tất cả nhà đầu tư thông minh cảm thấy lo lắng.
Vụ bê bối nợ hơn 200 tỷ của Tập đoàn Hòa Bình vẫn chưa có hồi kết. Và thấy rõ là Tập đoàn Hòa Bình là bên chịu thiệt hại nặng nề. Nếu bạn áp dụng phương pháp “lắng nghe và tìm hiểu” thì bạn có thể thấy nhiều lời phàn nàn từ phía các nhà cung cấp khác đã từng cung cấp dịch vụ cho FLC.
Có quá nhiều vụ tranh chấp giữa FLC và khách hàng. Năm 2020, khách hàng mua Condotel FLC Hạ Long đã phải treo băng rôn đòi FLC chia lợi nhuận năm 2019 (là năm chưa bị ảnh hưởng bởi Covid).
Các doanh nghiệp có cấu trúc phức tạp chưa bao giờ là công ty đơn giản và dễ hiểu. Kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau khiến doanh nghiệp như FLC trở thành các tổ chức rất khó để có thể hiểu kỹ các hoạt động của họ.
Dù có rất nhiều vấn đề kể trên nhưng cổ phiếu FLC vẫn giao dịch với thanh khoản rất lớn trên thị trường. Tất nhiên, vẫn có người sẽ kiếm được tiền từ cổ phiếu FLC, có người mất tiền khi lướt sóng…Nhưng nếu là nhà đầu tư thận trọng, chắc chắn bạn đã biết mình nên làm gì. Với những thứ chúng tôi không hiểu và không tin thì dĩ nhiên chúng tôi sẽ không mua. Kiếm tiền không hề đơn giản và không có lý do gì để đổi thứ mình đang có với thứ mình không hiểu và không tin tưởng.
(Nguồn tổng hợp - cophieubatdongsan.com chỉnh sửa)